Giả sử ROI (Return on Investment) một bài viết của bạn trung bình là 100.000đ/tháng. Tuy nhiên, nội dung này chỉ hấp dẫn theo mùa, trend hoặc “hợp thời” trong vòng 24 tháng. Bạn thu về khoảng 2.400.000đ, dĩ nhiên số tiền thu về hàng tháng không đều và doanh thu không đáng kể hoặc bằng 0 ở tháng thứ 24.
Sau đó bạn phải mất bao nhiêu thời gian và tiền bạc để biến những nội dung này tiếp tục hái ra tiền? Và cứ thế tiếp diễn những vòng lặp?
Vậy để nhận được lượng organic traffic cao và ổn định với chi phí rẻ theo thời gian thì nội dung phải như thế nào?
Chỉ trong hai từ: Evergreen Content
Sau bài viết này, bạn sẽ có một bức tranh rõ ràng về evergreen content, bao gồm
- Evergreen content là gì
- Vai trò evergreen content
- Hướng dẫn cách tìm nội dung evergreen
- Cách duy trì evergreen content
Tôi tin rằng Evergreen content sẽ giúp bạn xây dựng khối nội dung vững chắc để có cơ hội chiếm vị trí đầu trong kết quả tìm kiếm của Google với chi phí rẻ nhất.
Nào, bắt đầu thôi!
Evergreen Content là gì?
Lấy hình ảnh ẩn dụ từ một loại cây luôn giữ được lá xanh quanh năm, thuật ngữ Evergreen Content là tên gọi chỉ những nội dung không bị lỗi thời khi trả lời các truy vấn người dùng. Có nghĩa là nó xoay quanh những chủ đề luôn thu hút độc giả, phù hợp với bất kỳ sự thay đổi nào của thời cuộc hay thời gian nào trong năm.
Nhưng nếu xem xét kỹ hơn định nghĩa đó, chúng ta sẽ thấy nó nói về hai điều khác nhau: Nội dung và Chủ đề.
Đây là một điểm khác biệt quan trọng mà hầu hết các bài viết về evergreen content không đề cập đến.
Evergreen Topics (Chủ đề “thường xanh”)
Là những chủ đề có sự quan tâm và lượng tìm kiếm ổn định theo thời gian.
Dưới đây là một số ví dụ:
“Cách giảm cân”: Các nguyên tắc cơ bản của việc giảm cân không thay đổi nhiều qua thời gian – lượng calo tiêu hao lớn hơn lượng calo hấp thu vào trong ngày.
Đó là lý do tại sao nó vẫn luôn thu hút mặc dù đã rất lâu bạn không làm mới nội dung kể từ khi xuất bản.
“Trị mụn”: Nhu cầu làm đẹp ngày càng cao đặc biệt các vấn đề về mụn, nám, lão hoá da…là không tránh khỏi ở con người.
Chủ đề này sẽ luôn nhận được sự quan tâm nhất định từ độc giả.
Ví dụ về các chủ đề không phải Evergreen Topics
“Vòng loại World Cup”: Trận đấu được diễn ra bốn năm một lần nhưng đến năm 2021 đổi tuyển Việt Nam mới có cơ hội gia nhập cuộc chơi. Chúng ta thấy rõ sự tăng đột biến lượng truy cập trong năm này.
“Trang trí noel”: Noel chỉ diễn ra một lần trong năm.
Evergreen Content (Nội dung “thường xanh”)
Là nội dung nói về những chủ đề không bao giờ lỗi thời.
Dưới đây là một số ví dụ
“Bài tập giảm mỡ bụng”: Rõ ràng từ trước đến nay hay dù 20 năm nữa thì con người sẽ luôn có nhu cầu này.
“Serum trị mụn”: Trong chủ đề trị mụn thì những nội dung về serum trị mụn luôn được sự quan tâm từ độc giả.
Tại sao Evergreen Content quan trọng?
Khi Donald Trump thắng cử năm 2016, tờ New York Times đã đưa tin. Bởi vì họ là một trong những trang web đưa tin đầu tiên và lượng traffic thu hút người đọc tăng lên một cách đột biến.
Nhưng điều đó chỉ kéo dài trong vài tháng. Khi mọi người bắt đầu quan tâm đến những hoạt động của Donald Trump và không còn quan tâm đến chủ đề “Donald Trump thắng cử”. Như vậy, lượng truy cập vào bài viết đó giảm mạnh.
Mỗi khi xuất bản những bài viết có nội dung như thế bạn sẽ nhận được một lượng truy cập cao ban đầu. Qua thời gian, khi sự quan tâm giảm dần đồng nghĩa lượng traffic đổ vào cũng giảm theo tỷ lệ thuận.
Điều này sẽ đưa bạn vào guồng quay của quá trình sáng tạo nội dung. Bạn phải tiếp tục rà soát, chỉnh sửa, cập nhật những nội dung mới hơn. Một khi bạn dừng lại, lưu lượng truy cập sẽ giảm xuống.
Và đó chính xác là lý do tại sao chúng ta nên tạo Evergreen Content xung quanh các chủ đề “thường xanh” bởi các vai trò quan trọng sau đây
Evergreen Content thu hút Organic Traffic
Công việc của Google là trả về các kết quả có nội dung phù hợp nhất tại thời điểm phát sinh truy vấn của người dùng, nếu nội dung đã lỗi thời thì sẽ không được ở vị trí xếp hạng cao.
Evergreen content là cách tốt nhất để thu hút lượng traffic từ ngày này qua ngày khác, năm này qua năm khác mà không tốn chi phí quảng cáo.
Nếu theo tôn chỉ content evergreen thì bạn sẽ làm ít việc hơn, không phải thay đổi hoặc cập nhật nội dung thường xuyên, giúp tiết kiệm thời gian và tiền bạc hơn.
Evergreen Content giúp tăng thứ hạng tìm kiếm
Evergreen content có khả năng được chia sẻ cao hơn rất nhiều so với nội dung xu hướng. Những dạng nội dung mang tính bền vững xoay quanh lĩnh vực mà website bạn đang làm thì mặc nhiên sẽ nâng cao điểm số về tính chuyên môn, uy tín trên Google.
Điều đó sẽ giúp bạn có vị trí xếp hạng hàng đầu trên SERP.
Evergreen Content định vị website trong lòng độc giả
Với những mẫu nội dung phù hợp, có giá trị với người đọc thì luôn giữ chân họ ở lại lâu hơn – tỷ lệ thoát trang thấp hơn.
Điều đó không chỉ giúp tăng ROI theo thời gian mà còn tạo nên lòng tin yêu của độc giả và dĩ nhiên bạn sẽ có chỗ đứng nhất định trong thị trường cạnh tranh.
Hướng dẫn các bước tạo Evergreen Content
Nhanh thôi, chỉ có 2 bước để bạn tạo ra những bài viết có nội dung evergreen cho website của bạn.
Bước 1: Tìm các chủ đề “thường xanh”
Như đã nói ở trên, các chủ đề evergreen nói không với các đề tài mang tính thời sự và thời điểm ngắn hạn. Hãy tập trung vào các chủ đề có lượng tìm kiếm xuyên suốt và ổn định.
Để làm được điều đó, bạn phải thực hiện nghiên cứu từ khóa.
Đây là cách thực hiện.
Toàn bộ quá trình nghiên cứu tóm tắt thành 4 bước chính:
- Suy nghĩ tìm ra các chủ để khả thi
- Kiểm tra lượng tìm kiếm của từ khoá: Tìm kiếm số lượng tìm kiếm của từ khoá đó.
- Kiểm tra xu hướng tích cực của từ khóa theo thời gian: Phải đảm bảo mọi người sẽ quan tâm đến chủ đề hoặc nội dung đó xuyên suốt, ổn định theo thời gian.
- Kiểm tra tính nhất quán mục đích tìm kiếm: Mục đích của người tìm kiếm khi truy vấn trên Google.
Suy nghĩ tìm ra các chủ để khả thi
Đầu tiên, bạn phải nghĩ ra các chủ đề “thường xanh” có thể gây hứng thú cho khán giả của mình.
Đây là cách tôi đã tìm chủ đề evergreen cho Làm Điệu
Là một trang web về làm đẹp, tôi nghĩ những chủ đề dưới đây sẽ là mối quan tâm của các chị em
- Làm sạch da: Tẩy trang, sữa rửa mặt, tẩy tế bào chết…
- Dưỡng da: Toner, mặt nạ, serum, kem dưỡng, mặt nạ ngủ…
- Điều trị: Trị mụn, trị nám, trị thâm, chống lão hoá…
- Trang điểm: Trang điểm mặt (phấn nước, phấn phủ,…), trang điểm mắt (phấn mắt, kẻ mắt), trang điểm môi (son môi, son dưỡng,…)
Và nhiều hơn thế nữa,
Nếu phải làm về một lĩnh vực mình không am hiểu hoặc đã cạn ý tưởng, đây là những gợi ý cho bạn
- Lấy ý tưởng từ Wikipedia
- Lấy ý tưởng từ phần “Tìm kiếm có liên quan” của Google
- Google/YouTube Suggest
- Các trang web của đối thủ cạnh tranh
- Diễn đàn
Kiểm tra lượng tìm kiếm của từ khóa
Một cách tuyệt vời để kiểm tra tiềm năng của từ khoá là sử dụng các công cụ
- Google Keyword Planner
- Ahrefs
- Semrush
- KeywordTool.io
- KWFinder
- Google Search Console
Tôi thích Ahrefs hơn vì nó đầy đủ tính năng hơn.
Chúng tôi cũng đã có bài viết hướng dẫn sử dụng công cụ Ahrefs rất dễ hiểu, tôi tin nó sẽ giúp ích cho bạn.
Thật ra có rất nhiều chỉ số cần quan tâm để đánh giá tiềm năng của một từ khoá. Ở đây tôi sẽ không nói lại mà chỉ khai thác khía cạnh evergreen content – kiểm tra lượng tìm kiếm của từ khoá.
Được rồi, chúng ta hãy xem kết quả từ khoá “toner” mà tôi đã suy nghĩ nhé.
Bạn vào Ahrefs, chọn Keywords Explorer
⇒ Nhập từ khoá “toner”
Chúng ta sẽ xem ba chỉ số
- Volume: Ước tính số lượng tìm kiếm trung bình hàng của từ khoá, ở một quốc gia nhất định theo mục tiêu tìm kiếm của bạn.
- Clicks: Cho biết số lần nhấp chuột trung bình hàng tháng vào kết quả tìm kiếm mà mọi người thực hiện trong khi tìm kiếm từ khóa.
- CPS (Clicks Per Search): Là tỷ lệ của số lần nhấp trên số lượng tìm kiếm từ khóa (CPS = Click/Volume). Nó cho biết trung bình có bao nhiêu kết quả tìm kiếm khác nhau được nhấp vào khi mọi người tìm kiếm từ khóa ở một quốc gia nhất định.
Rõ ràng số lượng tìm kiếm 26.000 mỗi tháng là con số đáng thuyết phục để chúng ta khai thác sâu về chủ đề này. Tuy nhiên, nó không cung cấp bức tranh hoàn chỉnh về tiềm năng lưu lượng truy cập của từ khóa. Hãy xem thêm số lần nhấp chuột và tỷ lệ của số lần nhấp chuột trên số lượng tìm kiếm.
Số lần nhấp chuột là 13k (ít hơn 2 lần) so với số lượng tìm kiếm là 26k. Vì sao vậy?
Chúng ta có thể hiểu là người dùng đã có câu trả lời ở trang kết quả của Google (Theo Hubspot, 75% người dùng Internet không click qua trang 2 của kết quả tìm kiếm) và không có nhu cầu click chuột để tìm kiếm thêm. Điều này thể hiện rất rõ ở chỉ số CPS là 0.51.
Một ví dụ khác dễ hiểu hơn
Với tính năng Featured Snippets, Google đã cung cấp câu trả lời ngay lập tức mà người dùng không cần nhấp chuột vào các trang trả về kết quả. Liệu bạn có nhận được nhiều traffic nếu website của bạn không nằm ở top 0 hoặc top 3?
Ngược lại, cũng sẽ có trường hợp lượng click cao hơn search volume như ví dụ bên dưới
Lượng clicks 8k cao hơn search volume 1k, dẫn đến tỷ lệ trung bình lượng nhấp chuột vào các kết quả tìm kiếm khác nhau – CPS là 1.14. Điều này đồng nghĩa với việc mọi người cần tìm kiếm thông tin nhiều hơn để biết “các bước trang điểm” phải không?
Tóm lại, lượt click nên tương đương hoặc cao hơn số lượng tìm kiếm, nó sẽ là những từ khoá rất phù hợp cho chiến dịch evergreen content của bạn.
Nhưng nên nhớ, điều này giúp chúng ta có cái nhìn đúng hơn về tiềm năng số lượng tìm kiếm của từ khoá chứ không phải là yếu tố quyết định.
Bạn cũng có thể xem các gợi ý từ khóa khác tại Keyword ideas
để xem các chủ đề “thường xanh” khác để bổ sung vào kho chủ đề của mình.
Phrase match: Hiển thị các gợi ý có chứa chính xác từ khoá chính của bạn.
Từ các từ khóa gợi ý, bạn có thể nhận định xem chủ đề đó có khả năng là evergreen content hay không. Thử nhấp vào từ khoá “toner simple” nhé.
Từ khoá “toner simple” chúng ta dễ dàng có thêm nhiều từ khoá gợi ý khác.
Hoặc một cách khác, bạn thao tác giống như tìm kiếm từ khoá “hạt giống”- “toner” như lúc đầu.
Sau đó khám phá 1 kho tàng từ khoá gợi ý
- Terms match: Hiển thị các gợi ý có chứa từ khoá “toner simple” được sắp xếp ngẫu nhiên.
- Questions: Hiển thị các từ khóa theo cụm câu hỏi.
Tiếp tục với Related terms
- Also rank for: Hiển thị các từ khoá mà các website (chọn top 10 hoặc 100) xếp hạng dựa vào từ khoá “toner simple”.
- Also talk about: Hiển thị các từ khóa và cụm từ mà các trang xếp hạng (chọn top 10 hoặc 100) cho từ khóa “toner simple” thường xuyên đề cập đến.
- Search suggestions: Hiển thị các từ khoá từ chức năng Google Autocomplete
Bạn cũng có thể xem các trang xếp hạng hàng đầu có nhận được nhiều lưu lượng truy cập không?
Nếu có, đây có thể là một chủ đề “thường xanh”.
Đó chính xác là những việc bạn cần phải làm để tìm những chủ đề có lượng tìm kiếm cao.
Kiểm tra xu hướng của từ khóa theo thời gian
Bạn đã sở hữu một bộ từ khoá có lượng tìm kiếm khá ổn. Nhưng liệu có đảm bảo những chủ đề đó luôn “tươi xanh”?
Với Google Trends, bạn có thể dễ dàng xem một chủ đề đang tăng, giảm hay ổn định theo thời gian.
Ví dụ với từ khoá “toner cho da dầu”, bạn đánh từ khóa trên thanh tìm kiếm ⇒ Chọn vị trí “Vietnam”
Chọn thời gian cần tìm kiếm “23/10/2019 – 24/10/2021” bạn có thể tùy chọn thời gian mong muốn nhưng theo tôi nên chọn tối thiểu 2 năm để dễ thấy sự biến động, chọn kênh tìm kiếm “web search”
Nhìn vào biểu đồ, mặc dù có sự tăng giảm nhưng nhìn chung không có sự biến động quá lớn.
Để so sánh lượng truy cập không ổn định sẽ trông như thế nào, bạn xem từ khoá “áo len” dưới đây
Rõ ràng nhu cầu chỉ phát sinh ở những tháng của mùa đông, còn những mùa còn lại trong năm giảm xuống rõ rệt.
Bạn cũng có thể sử dụng công cụ Ahrefs để xem đồ thị xu hướng của 2 từ khoá trên.
Không có gì để bàn cãi, lượng truy cập từ khoá này tăng dần theo thời gian từ năm 2015 đến nay.
Thao tác tương tự với từ khoá “áo len” chúng ta sẽ có kết quả trả về như sau
Đến đây, bạn có thể lọc ra những từ khoá có lưu lượng truy cập ổn định theo thời gian rồi phải không nào!
Kiểm tra tính nhất quán của mục đích tìm kiếm
Mục đích tìm kiếm là mục tiêu của người tìm kiếm khi nhập truy vấn vào Google. Nếu mục đích tìm kiếm cho một từ khóa không rõ ràng hoặc có khả năng thay đổi, thì vị trí xếp hạng cũng sẽ có nhiều biến động.
Trong trường hợp đó, ngay cả khi bài viết của bạn đã cập nhật mới về nội dung, Google vẫn có thể không xem đó là kết quả tốt nhất cho người tìm kiếm vì vậy thứ hạng của bạn sẽ bị ảnh hưởng.
Lịch sử vị trí SERP hiển thị cho bạn lịch sử xếp hạng của các trang hiện đang chiếm vị trí hàng đầu trong kết quả tìm kiếm. Trước khi tạo nội dung, bạn hãy kiểm tra biểu đồ lịch sử xếp hạng, nếu mục đích tìm kiếm không rõ ràng, SERP sẽ có biểu đồ biến động như bên dưới
Nhưng khi với mục đích tìm kiếm rõ ràng hơn là “toner cho da khô”, chúng ta xem lịch sử SERP như thế nào nhé.
Rõ ràng, những từ khoá có lịch sử vị trí vị trí SERP ổn định như vậy thì “toner cho da khô” là chủ đề tốt để triển khai evergreen content, nhưng cũng là một thách thức để bạn đánh bại những website có vị trí xếp hạng cao.
Bước 2: Tạo bài viết Evergreen content
Nếu việc đi tìm chủ đề evergreen được ví như là đi chọn những hạt giống tốt thì tạo bài viết cho chủ đề là đi chọn phương thức trồng phù hợp để hạt giống nảy mầm.
Chà, vậy bước tiếp theo sẽ làm gì đây?
Chúng ta sẽ quan tâm đến cấu trúc bài viết và nội dung bài viết.
Cấu trúc bài viết evergreen content
Theo kết quả phân tích từ 3,6 tỉ bài viết từ Backlinko, cập nhật ngày 29/06/2021 thì có 2 dạng bài viết đạt hiệu quả cao nhất cho evergreen content
- List: Bài đăng ở dạng liệt kê danh sách.
- How to: Bài viết hướng dẫn, dạy mọi người cách đạt được một điều gì đó.
Tiếp theo là dạng bài What, Why, Review…
Đó là thông tin hữu ích để bạn lên kế hoạch viết bài, nhưng vẫn phải đảm bảo phù hợp với chủ đề từ khoá của mình nhé.
Nội dung bài viết evergreen content
Việc SEO On-page để tăng khả năng xếp hạng trên kết quả tìm kiếm của Google bao gồm: Tối ưu thẻ Title, Meta Description, URL,…là vấn đề luôn được quan tâm cho một bài viết.
Nhưng ở đây tôi sẽ chỉ nói nhiều về giá trị nội dung của bài viết.
Nội dung chất lượng cao
Công việc của Google là cung cấp kết quả tốt nhất cho truy vấn tìm kiếm. Để có kết quả tốt nhất, bạn sẽ cần nội dung chất lượng cao.
Điều gì sẽ xảy ra nếu nội dung của bạn tương tự với nội dung của những người khác, bạn bị hoà lẫn trong đám đông và không có gì khác biệt. Lúc này, ai đó đến cạnh tranh với bạn sẽ khá dễ dàng.
Nếu nội dung được cải thiện tốt hơn, có thể bạn sẽ lên top trong thời gian vài tuần hoặc vài tháng tuỳ vào mức độ cạnh tranh của từ khoá đó. Nhưng nếu là nội dung hay nhất của chủ đề đó, cơ hội duy trì thứ hạng trong thời gian dài hạn là rất cao.
Bây giờ, làm thế nào để tạo nội dung tốt nhất?
Những bài viết có nội dung tốt nhất thường có xu hướng giải quyết các câu hỏi sau đây
- Thiết kế có tốt về UX và UI không?
- Nội dung có dễ hiểu không? Nó thú vị, giải trí hay hữu ích?
- Nội dung có thực sự giải quyết được vấn đề không?
- Lý do tại sao ai đó lại chọn nội dung của bạn thay vì những người khác?
- Bạn có phải là chuyên gia trong lĩnh vực này không?
Vì vậy, hãy ghi nhớ điều đó để bắt tay vào tạo nội dung của riêng mình.
Tránh sử dụng ngôn ngữ có tuổi thọ ngắn
Nếu có thể, trong bài viết bạn cũng nên tránh những từ và cụm từ như sau
- “Đầu năm nay”
- “Tháng trước”
- “Hôm qua”
- “Sáng nay”
- “Năm 202x”
Những cụm từ như vậy chỉ phục vụ cho những nội dung mang tính ngắn hạn.
Tuy nhiên, cũng theo số liệu thống kế từ Backlinko, cập nhật ngày 29/06/2021,
Bằng cách sử dụng năm hiện tại trong tiêu đề, bạn sẽ tăng mức độ liên quan cho bài đăng của mình. Điều này có thể dẫn đến thứ hạng cao hơn và lưu lượng tìm kiếm nhiều hơn trong một thời gian.
Cụ thể, các bài viết có “2020” hoặc “2021” trong tiêu đề thì có điểm evergreen trung bình là 33, cao hơn đáng kể so với các năm trước.
Điều này cũng có thể đơn giản là có rất nhiều nội dung viết về chủ đề mà người dùng đang tìm kiếm. Và mọi người đang có xu hướng tìm kiếm từ khoá có chứa năm hiện tại để giúp họ tìm thấy thông tin mới nhất.
Để biết cách viết tiêu đề hấp dẫn mời bạn xem thêm tại 15+ công thức viết tiêu đề thu hút giúp tăng CTR đa kênh
Cách duy trì trạng thái evergreen cho nội dung
Nếu áp dụng các bước ở trên, nội dung của bạn sẽ được “tươi xanh” trong nhiều tháng, nhiều năm với hầu hết các chủ đề evergreen.
Nhưng sẽ thế nào nếu có nhiều website cũng đang làm về chủ đề giống bạn? Nội dung của bạn có chắc sẽ không bị “lỗi thời” khi những website đó “tươi xanh” hơn?
Vì vậy, làm cách nào để theo dõi và duy trì trạng thái thường xuyên nội dung của bạn?
Theo dõi thứ hạng
Nếu vị trí xếp hạng của bạn giảm dần thì đó là dấu hiệu để bạn xem lại nội dung của mình. Mặc dù các chủ đề là evergreen nhưng các chi tiết cụ thể của nội dung có thể sẽ thay đổi theo thời gian.
Bạn biết đấy, bất kì một hoạt động nào cũng cần theo dõi, đo lường kết quả để xem các tiềm năng cũng như các cảnh báo. Evergreen content cũng vậy.
Làm mới nội dung
Khi nhắc đến nội dung thì bạn cần hiểu người dùng đang mong đợi điều gì từ bài viết của bạn.
Khi nội dung evergreen content của bạn có vẻ như muốn “bay màu” thì bạn cần tìm hiểu lý do vì sao nó lại không còn phù hợp trong mắt Google.
Đầu tiên, hãy “khám” bài viết của bạn để xem có bị lỗi thời thông qua các yếu tố sau đây
- Số liệu thống kê
- Hình ảnh chuẩn SEO
- Internal link / Outbound link (Bị hỏng, không liên quan…)
- CTA
- Năm trong tiêu đề
Nhân tiện nói về năm trong tiêu đề, để phù hợp với năm hiện tại nhiều người chỉ chỉnh lại năm trên thanh tiêu đề mà không xét liệu nội dung có còn phù hợp hay không. Trong trường hợp này, theo tôi nên xoá năm đi là sự lựa chọn phù hợp nhất.
Ngoài ra, bạn cũng có thể xem trong SERP để biết những website có bước nhảy vọt lên các vị trí ở trang đầu, để xem bài viết của họ có gì mà mình chưa có.
Bạn biết mà, Google luôn cung cấp cho người dùng những kết quả tốt nhất, biết đâu bạn sẽ lần ra nhiều manh mối từ các đối thủ cạnh tranh.
Cùng xem biểu đồ SERP cho từ khoá “serum ordinary”
Hãy luôn đặt câu hỏi: Vì sao người dùng lại chọn họ mà không chọn bạn? Họ có gì mà mình không có?
Cùng làm chủ đề cho từ khoá chính nhưng liệu còn có những chủ đề phụ nào khác mà đối thủ đang CÓ mà bạn thì KHÔNG.
Để tìm các từ khoá đó, bạn sử dụng tính năng Content Gap
Bạn chỉ cần dán URL của các đối thủ vào, đặt chế độ thành “Prefix domain.com/path/*”, thêm URL của bạn tại “But the following target doesn’t rank for” và nhấn “Show keywords”
Sau đó sẽ xuất hiện các từ khóa ở các trang đối thủ
Tất cả công việc còn lại của bạn là kiểm tra, thêm các từ khóa phụ, điều chỉnh nội dung phù hợp để chào đón một sự “tươi mới” hơn cho bài viết.
Xây dựng liên kết
Giá trị cốt lõi của evergreen content là nội dung chất lượng cao, nhưng nhiều backlink sẽ giúp nâng cao thứ hạng nhanh hơn.
Làm sao để biết được điều đó?
Theo Ahrefs, có thể thấy sự quan hệ mật thiết giữa xếp hạng và hầu hết mọi số liệu về backlink.
Bất kể bạn cập nhật hoặc làm mới trang của mình bao lâu một lần, nếu nó chỉ có 2 đến 3 backlinks thì sẽ rất dễ bị đối thủ cạnh tranh và xếp hạng cao hơn bạn.
Vì vậy, mặc dù bạn có thể tạo thành công nội dung “thường xanh” xoay quanh một chủ đề “thường xanh”, nhưng bạn sẽ không có thứ hạng “thường xanh”.
Để biết sơ bộ về số lượng backlink bạn có thể cần cho một từ khoá và điều kiện cần để vượt qua vị trí xếp hạng đầu tiên thì hãy xem độ khó của từ khoá đó tại Keywords Explorer
.
Như ví dụ trên, kết quả ước tính là cần từ 6 backlinks để được xếp hạng trong top 10 cho từ khoá “toner cho da dầu”.
Một gợi ý hữu ích để bạn xây dựng backlink cho bài viết của mình đấy.
Kết luận
Đó là những gì một cách tổng quát về Evergreen Content để giúp bạn luôn có những nội dung và vị trí xếp hạng “tươi xanh”.
Tóm lại, bạn chỉ cần nhớ những điểm mấu chốt sau để triển khai.
- Nghiên cứu từ khoá: Lượng tìm kiếm, xu hướng theo thời gian và tính nhất quán trong mục đích tìm kiếm từ khoá.
- Tạo bài viết: Cấu trúc và các lưu ý về nội dung.
- Cách duy trì trạng thái evergreen: Theo dõi thứ hạng, làm mới nội dung và củng cố backlink.
Hy vọng nó sẽ giúp ích cho bạn thật nhiều!
Hãy để lại ở comment bên dưới nếu bạn có bất kì câu hỏi hay lời góp ý nào nhé.