Thường khi biên tập nội dung cho website, tôi hay đặt những câu hỏi như “Ai đang xem trang web?”, “họ ở đâu”, “sở thích của họ là gì” và “tại sao họ lại quan tâm đến nội dung này”.
Những mối quan tâm đó giúp tôi có những quyết định đúng hơn phù hợp với mục đích tìm kiếm của khách hàng.
Khi bạn xác định đúng nhu cầu, khách hàng sẽ ở lại trên trang web của bạn lâu hơn. Đo lường các chỉ số giúp bạn biết được nội dung trên website đã đủ tốt hay chưa.
Bounce Rate (tỷ lệ thoát) và Average Time on Page (thời gian trung bình trên trang) là những chỉ số quan trọng để đo lường trải nghiệm người dùng mà bạn thường nghe.
Vậy còn Dwell Time?
- Bạn biết gì về nó và chỉ số này có quan trọng không?
- Dwell Time có được xem là chỉ số xếp hạng của Google?
- Và nếu có, làm cách nào để bạn có thể cải thiện được yếu tố này?
Tôi sẽ trả lời tất tần tật cho bạn những câu hỏi trên trong bài viết này. Cùng theo dõi nhé!
Dwell Time là gì?
Dwell Time (thời gian dừng) được xem là khoảng thời gian người dùng nhấp vào một trang web trong kết quả tìm kiếm và quay trở lại SERPs sau đó.
Hiểu đơn giản, ví dụ bạn đang tìm kiếm “khóa học ielts”
Bạn nhấp vào kết quả đầu tiên, bài viết có nội dung thực sự tuyệt vời và cung cấp những thông tin mà bạn đang cần.
Khi đó, thay vì lướt nhanh bạn đọc từng từ một và còn xem thêm các trang điều hướng có nội dung hấp dẫn khác trên trang web.
Bạn dành khoảng 7 phút 17s để đọc xong và quay trở lại SERPs hoặc thoát khỏi trang, khoảng thời gian đó chính là Dwell Time.
Với Dwell Time dài, Google biết được rằng trang web đó đang mang lại giá trị tốt cho người dùng.
Và nếu những người khác cũng dành thời gian trên trang giống bạn, Google sẽ tăng thứ hạng cho trang web.
Ngược lại, khi người dùng nhấp vào một liên kết, nhưng nội dung của trang web đó không đúng search intent, hoặc quá xấu và khó sử dụng.
Sau 5s bạn rời trang và quay trở lại SERPs, với khoảng thời gian siêu ngắn đó chắc chắn Google đã để ý, đánh giá rằng trang không phù hợp với người dùng.
Dwell time được xem là chỉ số giúp bạn đánh giá trang web của bạn có đang cung cấp đúng nội dung hay không, có đủ thu hút người dùng hay không.
Phân biệt Dwell Time với Bounce Rate và Time on Page
Cả 3 chỉ số này đều là thước đo hoạt động và mức độ tương tác của người dùng đối với website. Tuy nhiên chúng hoàn toàn khác nhau.
Trước hết tôi cần ghi lại để bạn dễ dàng phân biệt:
Dwell Time (thời gian dừng) là thời gian từ lúc người dùng nhấp vào một kết quả tìm kiếm trên SERPs cho đến khi họ quay trở lại SERPs.
Dwell Time không phải là Time on Page
Time on Page (thời gian trên trang) là khoảng thời gian người dùng dành ra trên trang của bạn trước khi rời đi.
Có thể sang một trang khác trên website của bạn, đến một liên kết bên ngoài từ trang của bạn hoặc quay trở lại SERPs.
Time on Page được tính giữa lần nhấp chuột đầu tiên (đưa người dùng đến) và lần nhấp chuột đưa người dùng rời khỏi trang.
Nếu Time on Page thấp, có thể người dùng họ đã nhận được những thông tin mà họ muốn, do đó họ nhanh chóng rời khỏi trang web. Nội dung điều hướng tốt khiến họ xem tiếp những trang liên quan.
Hoặc cũng có thể nội dung trên trang chưa phù hợp với họ.
Nhìn chung thì Time on Page chưa đánh giá chính xác người dùng có hài lòng với những gì họ nhận được hay không.
Còn với Dwell Time, nếu người dùng xem nhanh một trang và quay trở lại SERPs, khả năng cao là họ không tìm được câu trả lời mà họ cần.
Dwell Time không phải là Bounce Rate
Bounce Rate (tỷ lệ thoát): là phần trăm người dùng truy cập vào website mà không thực hiện thêm bất kỳ một tương tác nào khác trên trang.
Sau đó thoát trang hoặc quay trở lại SERPs, đến một trang web khác bất kỳ hoặc vẫn ở lại trang đó nhưng không có lượt truy cập tiếp theo.
Chỉ có duy nhất 1 page view/ 1 session (phiên truy cập).
Tỷ lệ thoát = Tổng số phiên truy cập chỉ xem 1 trang/ tổng tất cả các phiên truy cập của website.
Tỷ lệ thoát cao không hẳn là nội dung của bạn kém chất lượng. Đó còn tùy vào mục đích của bạn khi xây dựng trang.
Ví dụ, nếu là trang chủ của bạn là nơi để khách hàng truy cập vào các phần còn lại như danh mục sản phẩm, bản tin,… thì tỷ lệ thoát cao sẽ không tốt chút nào.
Nhưng nếu trang của bạn là một blog tin tức đã cung cấp đầy đủ thông tin cho người dùng thì tỷ lệ thoát cao là bình thường, bởi họ chỉ cần đọc một trang là đủ rồi.
Cũng giống như Time on Page, Bounce Rate cũng chưa đánh giá đúng liệu người dùng có hài lòng với nội dung mà trang web mang lại hay không.
Nhưng Dwell Time thì có.
Dwell Time thấp tức là trang của bạn chưa đủ cho khách hàng hài lòng và họ cần quay trở lại SERPs để tham khảo thêm.
Dwell Time cao chứng tỏ người dùng bị thu hút bởi nội dung trên trang hoặc được điều hướng tốt sang các trang khác trên website.
Khi tôi dùng Google Analytics để phân tích các chỉ số, Bounce Rate và Time on Page là các chỉ số mà tôi có thể xem được, còn Dwell Time lại không xuất hiện dưới dạng thước đo.
Nếu Google sử dụng Dwell Time như một yếu tố để xếp hạng, họ sẽ không chia sẻ những dữ liệu này với chúng ta.
Vậy Dwell Time có là yếu tố xếp hạng không? Bạn nghĩ như thế nào về vấn đề này?
Dwell Time có phải là một yếu tố xếp hạng của Google?
Google có hơn 200 yếu tố xếp hạng khác nhau.
Rất nhiều người tin rằng Dwell Time là một tín hiệu xếp hạng và có ảnh hưởng đến SEO website.
Tuy nhiên không có một tuyên bố chính thức nào từ Google về việc này. Họ chưa bao giờ xác nhận hay phủ nhận bất cứ điều gì về Dwell Time một cách công khai.
Tại một hội nghị năm 2017, Nick Frost người đứng đầu Google Brain có nói rằng:
“Google hiện đang tích hợp thuật toán Google’s Machine Learning vào quá trình tìm ra mối quan hệ giữa một tìm kiếm và trang tốt nhất cho tìm kiếm đó. Và sau đó thứ hạng từ khóa sẽ thay đổi khi ai đó nhấp vào một trang và ở lại trang đó, khi họ quay lại trang kết quả hoặc cố gắng tìm kiếm thêm các kết quả khác”.
Tuy nhiên Cyrus Shepard đã phủ nhận điều này trên Twitter khi nêu rõ:
“Không ai ở Google nói rằng dwell time và bounce rate là các yếu tố xếp hạng, nhưng họ cung cấp nguồn cấp dữ liệu cho máy học”.
Cyrus Shepard – Founder of ZyppySEO
Google Brain là một dự án nghiên cứu trí tuệ nhân tạo chuyên sâu tại Google. RankBrain là một thuật toán xây dựng trên nền tảng học máy (AI) được Google sử dụng để phân loại kết quả tìm kiếm.
RankBrain rất quan tâm đến cách bạn tương tác với kết quả tìm kiếm. Cụ thể nó xem xét cả Dwell Time và Bounce Rate.
Cho dù rằng Google gần đây đã thông báo rằng RankBrain là tín hiệu xếp hạng quan trọng thứ 3 của Google thì cũng không thể xác nhận được Dwell Time có là một yếu tố xếp hạng hay không?
Vì sao?
Không phải lúc nào Dwell Time cũng là một chỉ số đáng tin cậy về sự hài lòng của người dùng.
Nhìn qua bảng sau để thấy:
Dwell Time không dành cho trang có thứ hạng thấp
Nếu bạn chỉ được xếp hạng trên trang 2 hoặc xa hơn, gần như chắc chắn không có một ai xem trang của bạn, thậm chí chỉ vài giây.
Có nghĩa là nếu Dwell Time là một yếu tố xếp hạng thật thì cũng chỉ áp dụng cho top 10. Lúc này bạn không cần phải bận tâm đến Dwell Time làm gì khi trang của bạn không ontop. Tốt nhất bạn nên dành thời gian để tối ưu website vào top 10 trước đã.
Dwell Time không chính xác trong tìm kiếm câu hỏi đơn giản
Như Eric Enge đã nói:
“Có nhiều trường hợp trong đó thời gian dừng ngắn hơn là một dấu hiệu của chất lượng. Ví dụ: bất cứ lúc nào ai đó đang tìm kiếm một thông tin tham khảo nhanh, chẳng hạn như mã zip hoặc số điện thoại của một doanh nghiệp”.
Eric Enge – Digital Marketing Excellence Practitioner Pilot Holding
Với nhiều từ khóa tìm kiếm đơn giản, giả sử bạn tìm kiếm từ “muối”. Nếu bạn nhấp vào kết quả từ Wikipedia, bạn sẽ dễ dàng tìm thấy câu trả lời ngay dòng đầu tiên của trang.
Trong trường hợp này, dwell time ngắn không phải là một trải nghiệm tiêu cực của người dùng.
Dwell Time không chính xác cho các tìm kiếm liên quan đến mua sắm
Theo Mark Traphagen:
“Một kịch bản nữa trong đó thời gian dừng có thể là một dấu hiệu sai lầm cho chất lượng nội dung và sự hài lòng của người dùng: mua sắm. Thường khi tôi đang mua sắm, tôi có thể nhấp qua lại khá nhanh giữa nhiều kết quả bởi vì tôi chỉ đang ở giai đoạn mà tôi đang so sánh mua sắm, có thể về giá cả hoặc các tính năng nhất định.”
Mark Traphagen – Phó chủ tịch Tiếp thị Sản phẩm & Đào tạo seoClarity
Ở đây, không phải người dùng có trải nghiệm không tốt với trang web của bạn, mà họ chỉ đang tiêu dùng thông thái, tức là so sánh nhanh giá cả giữa các trang để đưa ra lựa chọn.
Do đó vô tình làm dwell time thấp đi, vậy dwell time không thể coi là yếu tố xếp hạng trong trường hợp này.
Google có hàng trăm yếu tố xếp hạng, vì thế Dwell Time có thể không chính thức là yếu tố xếp hạng của website nhưng đó sẽ là số liệu quan trọng để làm căn cứ xếp hạng.
Cách tính Dwell Time như thế nào?
Như tôi đã nói, Dwell Time không xuất hiện trong Google Analytics, do đó làm thế nào để bạn có thể đo lường số liệu này?
Không có cách nào để tính toán Dwell Time.
Tuy nhiên, bạn có thể xác định Dwell Time thông qua chỉ số “Avg. Session Duration” (thời lượng phiên trung bình), cho thấy thời gian trung bình người dùng dành cho website sau khi truy cập vào một trong các trang của bạn.
Một phiên sẽ kết thúc khi người dùng rời đi hoặc sau 30 phút không hoạt động.
Bạn có thể thấy khi đăng nhập vào trang chủ Google Analytics:
Hoặc nếu muốn xác định cho các landing page hoặc blog post riêng lẻ, bạn làm như hình dưới đây:
Tại đây bạn sẽ thấy Avg. Session Duration được thể hiện trong bảng:
Tôi nhắc lại lần nữa để bạn lưu ý là Dwell Time và Avg. Session Duration không giống nhau.
Bởi vì thời lượng phiên trung bình cũng có thể đo thời gian trên trang của một người sau khi họ đến từ một liên kết email hoặc mạng xã hội.
Để đảm bảo bạn chỉ thấy các trang chỉ liên quan đến SERPs, bạn cần làm thêm một phân đoạn để bạn chỉ xem xét Organic Traffic:
Average Session Duration giúp bạn biết trang nào đang hoạt động tốt.
Ví dụ: tôi đang xem xét thời lượng người dùng hoạt động trên các trang khác nhau. Sau đó tôi nhận thấy một trang nổi bật hơn khi có thời lượng phiên trung bình 5 phút, trong khi các trang khác chỉ có 2 phút.
Giờ tôi xem trang đó có gì đặc biệt hơn (nội dung văn bản hay hơn, kết hợp hình ảnh, video hấp dẫn,…). Từ đó tìm ra cách để cải thiện cho các trang khác.
Average Dwell Time trên website
Bạn có thể tìm thấy tiêu chuẩn ngành trong Google Analytics so với trang web của bạn.
Chọn Audience sau đó chọn Benchmarking, tùy vào bạn muốn xem điểm chuẩn ngành trên devices, channels hay location để chọn mục phù hợp.
Ví dụ: tôi muốn xem tiêu chuẩn ngành trên các thiết bị về chỉ số Average Session Duration.
Ô được đánh dấu màu đỏ và mũi tên hướng xuống chỉ ra thời lượng phiên trung bình website đang thấp hơn tiêu chuẩn ngành.
Tính trung bình cho cả 3 thiết bị thì thời lượng phiên trung bình thấp hơn 65,08%, trong đó thấp nhất trên thiết bị desktop.
Phiên trung bình của ngành là 2 phút 01 giây, trong khi website chỉ là 42 giây.
Những con số trên đây nói lên rằng cần phải tối ưu lại các bài viết để nâng cao trải nghiệm người dùng.
Khi xem xét số liệu bạn nên xem nhiều chỉ số khác nhau để có cái nhìn đầy đủ về tình trạng hoạt động của trang web.
Nếu bạn đang có xếp hạng trên SERPs, SEO được xem là hiệu quả nhưng thời lượng phiên kém chứng tỏ bạn chưa cung cấp đúng thông tin cho người dùng.
Làm cách nào để cải thiện Dwell Time?
Cải thiện mức độ tương tác và hài lòng của người dùng là điều bạn cần quan tâm nếu muốn cải thiện Dwell Time.
Như Danny Sullivan nói:
“Tôi nghĩ rằng Google có thể cố gắng đo lường và sử dụng mức độ tương tác như một phần trong thuật toán xếp hạng của mình. Chính xác làm như thế nào thì điều này không được biết, tôi nghĩ rằng có quá nhiều người làm SEO ám ảnh rằng nó phải là tỷ lệ nhấp. Nó thực sự không quan trọng. Là người làm marketing, bạn luôn muốn mọi người tương tác với nội dung của bạn trước hết. Vì vậy, hãy tập trung vào điều đó và nó có thể sẽ phù hợp với những gì Google muốn.”
Danny Sullivan – Search Liaison Google
Công thức PPT – thu hút người đọc trong phần giới thiệu
Thu hút người đọc ngay từ khi mới bắt đầu luôn là điều tiên quyết. Nếu tôi vào trang web của bạn nhưng lại không tìm thấy thông tin cần tìm từ những dòng đầu tiên.
Tôi chắc chắn sẽ thoát ra ngoài và tìm một kết quả khác.
Bạn phải đảm bảo rằng người đọc có nhanh chóng tìm thấy được những gì họ đang tìm kiếm hay không?
Bằng cách nào – sử dụng mục lục hay các đoạn văn ngắn, gạch đầu dòng để nội dung dễ hiểu hơn.
Công thức PPT (Preview – Proof – Transition) là công thức giới thiệu nội dung giúp tăng dwell time.
Dòng đầu tiên nói ngắn gọn về bài viết của bạn.
Cho phép người đọc biết bài viết bạn sẽ nói về điều gì, có đúng mục đích họ đang tìm kiếm hay không.
Tôi lấy một ví dụ từ bài viết trên trang web của tôi:
Dòng thứ 2 và 3 sẽ là dòng thể hiện bằng chứng rằng bài viết của bạn có thể giúp họ những gì.
Cuối cùng khích lệ người đọc xem bài viết bằng lời kêu gọi (chuyển đổi).
Lời kêu gọi này sẽ đưa người đọc đến với các phần tiếp theo trong bài viết.
Trải nghiệm người dùng chính là yếu tố quyết định dwell time cao hay thấp, đặc biệt là đầu trang.
Bên cạnh đó, tiêu đề cũng là một yếu tố quan trọng không kém, bạn có thể xem 15+ công thức viết tiêu đề thu hút để cải thiện CTR cho bài viết của mình.
Nhắm từ khóa đúng mục đích tìm kiếm
Đó là điều hiển nhiên, bài viết phải có nội dung xoay quanh từ khóa chính, thể hiện ý định tìm kiếm của người dùng.
Khi đó Dwell Time tăng lên vì người đọc thấy được giá trị trong nội dung của bạn.
Ví dụ: từ khóa “book bài pr”.
Những người thực hiện tìm kiếm bằng từ khóa này đa số họ đã có hiểu biết nhất định về thông tin đó, cái mà họ cần là đánh giá dịch vụ book bài pr của đơn vị cung cấp như thế nào?
Nếu xây dựng content theo hướng giải thích: book bài pr là gì?, giới thiệu các đơn vị cung cấp dịch vụ book bài pr uy tín,… là bạn đang đánh mất đi cơ hội chuyển đổi của mình.
Rõ ràng một bài hướng đúng mục tiêu tìm kiếm sẽ có cơ hội xếp hạng cao.
Tạo nội dung dài hơn và tốt hơn
Tất nhiên dwell time tăng lên khi thời gian xem trang của người dùng dài hơn.
Một bài viết 2000 từ sẽ có dwell time tốt hơn một bài thin content chỉ có 300 từ (nếu đề cập cùng chủ đề).
Nhưng đừng hiểu nhầm việc viết dài hơn có nghĩa là phải nhồi nhét những nội dung vô bổ vào bài viết.
Thay vào đó, xây dựng nội dung phải thật kỹ lưỡng, chuyên sâu, cung cấp thông tin chính xác nhất. Bạn có thể tham khảo 10X content để biết cách tạo nên những content hay nhất.
Tối ưu trải nghiệm người dùng tốt
- Chia nhỏ nội dung với nhiều Heading chính và phụ.
- Gạch đầu dòng, liệt kê dạng danh sách, đoạn văn ngắn gọn, dễ hiểu.
- Thay đổi bố cục website đảm bảo dễ đọc, chú ý đến màu sắc, font chữ, SEO hình ảnh đề cập đúng nội dung mà bạn muốn cung cấp.
- Tăng khả năng tương thích trang web của bạn trên các trình duyệt khác nhau như Safari, Chrome, Firefox,…
- Hạn chế số lượng quảng cáo, bởi không ai thích những quảng cáo gây phiền nhiễu cả.
Tối đa hóa tốc độ trang
Web của bạn mất quá nhiều thời gian để load xong nội dung. Chắc chắn người dùng sẽ rời bỏ bạn.
Họ sẽ không cố ở lại với bạn trong khi vẫn còn nhiều kết quả tìm kiếm khác đang đợi họ.
Tốc độ trang là một tín hiệu xếp hạng trực tiếp đã được xác nhận
Sử dụng các link nội bộ điều hướng tốt
Việc chọn cách đặt các internal link thế nào cũng cho phép bạn giữ chân người dùng lâu hơn trên trang web của bạn.
Xây dựng các link nội bộ có điều hướng tốt, anchor text giải thích đúng ngữ nghĩa của đường link dẫn đến trang đích.
Và đặc biệt là chủ đề trang liên kết phải có liên quan với bài viết hiện tại.
Ví dụ: bài viết đang nói đến “khóa học ielts”, nhưng internal link lại dẫn đến trang “dạy con học tiếng anh khi còn tiểu học”. Hoàn toàn không phù hợp với đối tượng đang đọc bài viết.
Cộng đồng và nhận xét trên bài đăng
Nhân viên của Google từng nói: “một cộng đồng có thể giúp rất nhiều cho việc xếp hạng”.
Bình luận sẽ là nơi mà người dùng muốn xem đánh giá trải nghiệm của những người khác.
Những người để lại bình luận chắc chắn dành nhiều thời gian trên trang hơn.
Đồng thời bạn cũng nên để lại bình luận của mình để phản hồi lại câu hỏi của người dùng, làm tăng mức độ tương tác của website.
Luôn cập nhật mới nội dung cũ
Người dùng chắc chắn sẽ không thích việc dành một khoảng thời gian tìm kiếm thông tin nhưng lại nhận được kết quả cách đây vài năm chưa được cập nhật.
Một ví dụ để bạn hình dung:
Khi bạn viết một bài phân tích về top 10 địa điểm du lịch đẹp nhất Tp Hồ Chí Minh do khách du lịch bình chọn vào năm 2020 chẳng hạn.
Đến thời điểm hiện tại, những vị trí đó có thể đã thay đổi, bị thay thế bởi các địa điểm đẹp khác mới hơn hoặc thậm chí bị đóng cửa do một vài yếu tố.
Sau khi lướt nhanh để tham khảo 5 trang web khác nhau, chỉ có trang của bạn vẫn còn để danh sách cũ. Điều này khiến người dùng không hài lòng và không muốn quay lại để xem chi tiết kết quả trang của bạn.
Vì vậy chúng ta nên cập nhật nội dung liên tục, lên kế hoạch theo dõi để không bỏ quên những bài viết có nội dung cần cập nhật.
Tối ưu hóa trên thiết bị di động
Người dùng hiện nay đa số sử dụng các thiết bị di động để truy vấn thông tin. Do vậy không chú ý để tối ưu hóa trang web của bạn trên thiết bị di động là một thiếu sót nghiêm trọng.
Để kiểm tra website có thân thiện với thiết bị di động hay không, truy cập vào Google Search Console:
Nó sẽ chỉ ra cho bạn những trang web mà Google coi là trải nghiệm người dùng không tốt trên thiết bị di động:
Thêm các chủ đề phụ có liên quan
Khi nhập một từ khóa đơn giản, chẳng hạn “bánh trung thu là gì”, không phải người dùng chỉ muốn biết khái niệm bánh trung thu không thôi. Mà họ còn muốn biết nhiều câu hỏi liên quan khác đến từ khóa đó.
Việc bạn thêm nhiều thẻ H2, H3 khác liên quan như “bánh trung thu được làm như thế nào”, “bánh trung thu bán ở đâu”,… Điều này sẽ giúp người dùng ở lại với trang web của bạn lâu hơn.
Thêm video
Bổ sung video vào nội dung văn bản là một cách tuyệt vời để thu hút sự tham gia của người dùng.
Xu hướng xem video ngày nay được ưa chuộng nhiều hơn so với khi đọc một đoạn dài văn bản.
Một video thường kéo dài từ 2 đến 5 phút, nếu người dùng xem hết video, tức là dwell time của bạn cũng tăng lên đáng kể.
Việc cải thiện Dwell Time đòi hỏi bạn phải chú ý đến nhiều yếu tố khác nhau.
Điều này có vẻ hơi khó khăn cho những người mới bắt đầu. Tuy nhiên, có rất nhiều công cụ và phương pháp hỗ trợ cho bạn.
Học cách tối ưu nội dung trên trang của bạn, tạo URL thân thiện với SEO, cách viết tiêu đề và meta description thu hút. Tất cả các cách thức được chúng tôi đúc kết lại qua bài viết hướng dẫn SEO-onpage này.
Tổng kết
Dwell Time cho dù chưa được Google xác nhận là một yếu tố xếp hạng, nhưng một điều chắc chắn là nó phù hợp với định hướng của Google luôn muốn làm hài lòng người dùng của mình bằng cách cung cấp cho họ kết quả phù hợp nhất, tốt nhất.
Việc bạn cần làm bây giờ là cải thiện nội dung của mình để đúng với mục đích của người dùng, tạo cho website một trải nghiệm người dùng tuyệt vời.
Khi đó bạn sẽ không cần phải quá bận tâm vào Dwell Time nữa.
Nếu có những câu hỏi nào còn thắc mắc về vấn đề này, hãy để lại ý kiến của bạn phía dưới phần bình luận.
Cảm ơn đã đọc bài viết và chúc bạn thành công!